QUY TRÌNH ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

I - Quy định pháp luật về hoạt động đấu giá tài sản của tổ chức đấu giá chuyên nghiệp.

1.1. Văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực đấu giá tài sản.

Các văn bản pháp luật chính điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản:

- Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 27 tháng 6 năm 2005;

- Luật đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2016;

- Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản;

- Căn cứ Thông tư số 45/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật đấu giá tài sản;

- Căn cứ Thông tư số 48/2017/TT-BTC ngày 15/5/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản.

- Căn cứ Thông tư số 108/2020/TT-BTC ngày 21/12/2020 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chínhquy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật đấu giá tài sản.

Các văn bản pháp luật có liên quan:

- Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015;

- Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Luật Thi hành án dân sự 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2013;

- Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.

1.2. Các loại tài sản đấu giá thông qua tổ chức đấu giá chuyên nghiệp:

Căn cứ theo pháp luật đấu giá tại Điều 4của Luật đấu giá số 01/2016/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2016 quy định các loại tài sản sau đây được đấu giá thông qua tổ chức đấu giá chuyên nghiệp:

- Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

- Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật;

- Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm;

- Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

- Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

- Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;

- Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

- Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản;

- Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

- Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản;

- Tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;

- Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;

- Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;

- Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá;

- Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này.

II - Quy trình đấu giá tài sản.

2.1. Nhận yêu cầu của khách hàng.

- Tiếp xúc trực tiếp với khách hàng để tiếp nhận yêu cầu về đấu giá tài sản;

- Nhận hồ sơ, tài liệu của khách hàng (tư vấn cho khách hàng chuẩn bị hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật);

- Yêu cầu người có tài sản, người có nhu cầu đấu giá phải cung cấp giấy chứng nhận về tài sản, chứng minh quyền sở hữu/sử dụng tài sản và quyền được đấu giá tài sản;

- Tư vấn cho khách hàng hướng thực hiện việc đấu giá tài sản;

- Thỏa thuận chi phí phát sinh thực tế đối với khách hàng từ khi ký kết hợp đồng, cho đến khi thông báo công khai việc đấu giá tài sản và các chi phí khác.

2.2. Phân công chuyên viên, thư ký đấu giá viên nghiên cứu hồ sơ.

- Phân công cho thư ký đấu giá viên hoặc chuyên viên phụ trách lĩnh vực đấu giá tài sản phù hợp để nghiên cứu hồ sơ:

+Tìm hiểu đặc điểm pháp lý, hồ sơ, tài liệu về tài sản cần đấu giá;

+ Thẩm tra, đối chiếu các hồ sơ, tài liệu liên quan do Khách hàng cung cấp, so sánh với yêu cầu của công ty và quy định của pháp luật.

- Nếu phát hiện có nội dung không hoàn chỉnh, tài liệu, hồ sơ không đầy đủ thì phải yêu cầu khách hàng hoàn thiện hồ sơ;

- Nếu phát hiện có dấu tích sửa chữa, làm giả hồ sơ, giấy tờ hoặc thông tin không đúng thì cần phải xác minh, làm rõ.

2.3. Xác định giá khởi điểm.

- Việc xác định giá khởi điểm có thể trên cơ sở khách hàng cung cấp (đối với trường hợp khách hàng tự xác định mức giá khởi điểm) hoặc trên cơ sở quy định của pháp luật về thẩm định giá – do cơ quan có thẩm quyền, hoặc Tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp xác định.

- Xác định giá khởi điểm là căn cứ để tiến hành đấu giá tài sản và ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

2.4. Chuẩn bị đấu giá.

- Sau khi có đầy đủ thông tin về tài sản đấu giá, Doanh nghiệp ký Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với khách hàng và tiến hành các thủ tục để chuẩn bị đấu giá.

- Các nội dung công việc chuẩn bị đấu giá gồm:

+ Niêm yết, thông báo công khai thời gian, địa điểm, đặc điểm tài sản đấu giá trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại trụ sở Doanh nghiệp, cũng như nơi có tài sản đấu giá;

+ Tổ chức đăng ký tham gia đấu giá tài sản: Bán hồ sơ và thu tiền đặt trước, lập danh sách khách hàng đăng ký mua tài sản;

+ Tổ chức cho khách hàng xem tài sản đấu giá;

+ Chuẩn bị hội trường và hồ sơ, giấy tờ cho việc thực hiện cuộc đấu giá tài sản.

2.5. Tiến hành đấu giá tài sản.

- Hình thức đấu giá tài sản: Đấu giá trực tiếp bằng lời nói/ bỏ phiếu trực tiếp/ bỏ phiếu gián tiếp/ trực tuyến;

- Trình tự tiến hành cuộc đấu giá:

+ Người điều hành: Đấu giá viên tiến hành khai mạc cuộc đấu giá; giới thiệu bản thân, giới thiệu thành viên giúp việc cho đấu giá viên;

+ Giới thiệu về tài sản đấu giá: Đặc điểm, giá khởi điểm...

+ Đọc quy chế đấu giá và phương thức trả giá, giải đáp thắc mắc cho khách hàng;

+ Tiến hành đấu giá bằng cách bỏ phiếu/ trả giá trực tiếp bằng lời nói.

2.6. Kết thúc đấu giá.

- Lập biên bản đấu giá thành (có chữ ký của các bên liên quan và có sự phê duyệt của lãnh đạo);

- Lập biên bản giao nhận tài sản / hồ sơ giấy tờ có liên quan đến tài sản có sự phê duyệt của lãnh đạo.;

- Trả lại tiền đặt trước cho những người không trúng đấu giá và xử lý vi phạm đối với các trường hợp cụ thể;

- Tiến hành bàn giao hồ sơ, giấy tờ và tài sản cho người trúng đấu giá - thu tiền đấu giá thành;

- Thanh lý hồ sơ đấu giá tài sản với khách hàng;

- Soạn thảo và ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá cho khách hàng trúng đấu giá.